• Authentic & Premium Shopping from Australia
  •  

Bỏ túi ngay những bí kíp đưa con vào giấc ngủ trưa trong 1 nốt nhạc

Đăng bởi Nguyễn Quang Huy vào lúc 10/08/2020
Bỏ túi ngay những bí kíp đưa con vào giấc ngủ trưa trong 1 nốt nhạc

Giấc ngủ trưa cũng quan trọng không kém giấc ngủ vào ban đêm bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhưng đa số trẻ lại thường không chịu ngủ trưa. Vậy bố mẹ cần phải làm gì?

Giấc ngủ trưa dù ngắn, chỉ khoảng vài tiếng nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tất cả 24 tiếng trong một ngày của trẻ. Trước hết, ngủ trưa có thể cải thiện tâm trạng của trẻ và giảm quấy khóc, mè nheo và cáu kỉnh. Các nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ ngủ trưa hàng ngày cũng ít bị ốm hơn, cao lớn hơn và ít bị béo phì hơn khi lớn lên. Ngủ trưa cũng giúp tăng cường khả năng chú ý và phát triển trí não.

Hơn thế nữa, ngủ trưa cũng có thể giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt khi trẻ không ngủ đủ vào ban đêm. Ngay cả khi chỉ thiếu một giờ trong tổng số giờ ngủ cũng có thể có tác động tiêu cực đến trẻ - ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và chức năng não, đồng thời làm gia tăng khả năng trẻ quấy khóc và mệt mỏi.

Có rất nhiều cách để giúp trẻ đi ngủ trưa nhưng cách tốt nhất cũng sẽ không phát huy hiệu quả gì nếu như không xác định được nguyên nhân ban đầu. Vì thế, trước hết quan trọng là bố mẹ phải xác định được lý do vì sao con mình lại không chịu ngủ trưa.

Sau đây là một số lý do điển hình và cách giải quyết đi kèm để bố mẹ có thể tham khảo:

1. Thời gian biểu ngủ đã không còn phù hợp

Cách giải quyết: Hãy xem xét lại bất kì thay đổi nào hay mốc phát triển nào của trẻ. Liệu có phải con vừa học bò, hay bắt đầu ăn dặm hay bắt đầu đi học? Bất kì thay đổi nào cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ngủ của trẻ. Hãy thử quan sát xem liệu con có dấu hiệu mệt mỏi nào giữa những giấc ngủ trưa không và điều chỉnh thời gian biểu để phù hợp với nhu cầu của con.

2. Giờ ngủ trưa không hợp với đồng hồ sinh học của trẻ

Cách giải quyết: Giờ ngủ trưa, giờ ngủ ban đêm, giờ ăn, tiếp xúc với ánh sáng và bóng tối và hoạt động, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của con bạn. Xem xét thời gian biểu hàng ngày của con để đảm bảo rằng những yếu tố này đều xảy ra vào những thời điểm thích hợp trong ngày. Thứ tự không hợp lý (ví dụ như hoạt động thể chất và tiếp xúc với ánh sáng mạnh trước giờ ngủ) có thể ảnh hưởng nhịp độ của trẻ.

3. Giờ ngủ không cố định

Cách giải quyết: Nếu ngày nào giờ ngủ cũng đều như vắt chanh nhưng cuối tuần lại không thực hiện hay vào giờ khác thì trẻ mãi sẽ không vào nếp được. Tương tự, cũng sẽ rất khó nếu như giờ ngủ trưa ở trường một kiểu và ở nhà lại một kiểu khác. Vì vậy, điều cần làm là phải đặt ra một giờ ngủ thật cố định và thực hiện đúng mỗi ngày.

4. Những lúc ngủ gật khác trong ngày

Cách giải quyết: Thỉnh thoảng trong ngày trẻ sẽ chợp mắt hay ngủ gật trong vài phút, ví dụ như khi cảm thấy mệt hay môi trường kích thích giấc ngủ và điều này có thể giảm cảm giác buồn ngủ khi đến giờ ngủ trưa. Những lúc ngủ gật như thế này không mang lại những lợi ích như một giấc ngủ trưa thực sự nhưng chúng đủ để tiếp thêm cho trẻ năng lượng và vì thế khiến trẻ không buồn ngủ khi đến giờ ngủ nữa. Để ngăn tình trạng này xảy ra, tránh đặt trẻ trong môi trường kích thích buồn ngủ như đặt trẻ nằm trong nôi, trong võng,… nếu như không phải là giờ ngủ.

5. Một số vấn đề sức khỏe

Cách giải quyết: Có một số vấn đề sức khỏe có thể khiến trẻ khó ngủ như dị ứng, hen suyễn, nhiễm trùng tai, đau bụng, trào ngược,…Trong trường hợp thế này thì bố mẹ lại nên thật linh hoạt và cởi mở để tìm ra bất kì giải pháp nào giúp con có thể ngủ được. Hãy gạt qua một bên ý tưởng rằng con nhất định phải ngủ theo cách này hay ở nơi như thế nào, mà hiểu rằng giấc ngủ dù có như thế nào thì cũng còn hơn là không ngủ. Đồng thời, hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ về vấn đề của con và tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Một số bí quyết để khuyến khích trẻ ngủ trưa:

- Duy trì giờ ngủ cố định và phù hợp nhất với đồng hồ sinh học của trẻ.

- Điều chỉnh thời gian biểu theo những dấu hiệu buồn ngủ của trẻ. Bất kể đồng hồ chỉ mấy giờ thì giờ ngủ đúng là khi trẻ yên lặng hơn, không còn quan tâm đến đồ chơi nữa, mè nheo, dụi mắt và ngáp.

- Tập thói quen trước giờ ngủ bằng một hoạt động thư giãn, nhẹ nhàng để trẻ lắng lại và biết rằng đây là dấu hiệu đến giờ đi ngủ.

- Tạo không gian ngủ lý tưởng và cho trẻ mặc quần áo thoải mái.


(Theo Afamily)

KHÁCH HÀNG NÓI VỀ KOLABUY AUSTRALIA®

Hotline Hotline
Chat ngay Chat ngay
Giỏ hàng Giỏ hàng
Tài khoản Tài khoản