• Authentic & Premium Shopping from Australia
  •  

Hôn nhân là của hai người, không phải của hai gia đình

Đăng bởi Kola Hara 01 vào lúc 11/04/2022
Hôn nhân là của hai người, không phải của hai gia đình

Gửi tác giả bài viết "Em dâu không giữ ý khiến tôi khó chịu". Đọc bài của anh và những người ủng hộ anh làm tôi cũng muốn chia sẻ vài dòng.

Tôi lấy chồng khác vùng miền và khác văn hóa gia đình, giống như em dâu của anh. Chồng tôi là một người siêng năng, giỏi giang, tháo vát, xuất sắc trong mắt gia đình chồng và người xung quanh. Tôi bình thường, từ tốn, có phần chậm chạp, không tháo vát, không sắc sảo, công việc ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân. Gia đình hai bên cơ bản, không nghèo không giàu. 

Ngày đầu mới về nhà chồng, tôi nhận được từ gia đình chồng sự đón nhận, yêu thương và răn dạy, ít nhiều theo cách của anh. Nói về cuộc sống trong gia đình chồng, tôi cảm phục sự tháo vát, mạnh mẽ của mẹ chồng; sự sắc sảo của chị chồng; sự yêu thương, tin tưởng và tự hào của gia đình chồng dành cho chồng tôi, bản thân cũng biết ơn những điều gia đình chồng đã giúp chúng tôi. Tôi biết bố mẹ chồng thương con dâu, hết lòng vì con cháu theo cách của bố mẹ. Cuối cùng, tôi trân trọng tình cảm và sự cố gắng đó nhưng nếu biết trước khác biệt về vùng miền, văn hóa gia đình, môi trường và cả trình độ nhận thức có thể bào mòn tình cảm thế nào thì tôi đã không lấy anh ấy.

Sau cưới, tôi được đón nhận như một người mới vào gia đình, được tạo điều kiện để hòa nhập vào văn hóa mới, nhưng thật khó được thừa nhận những thứ của riêng mình. Khi đó hai câu tôi thường nghe chồng nói nhất là: "Nhà em không đẻ con trai nên không hiểu được nhà có con trai nghĩ gì", "Em đi học xa nhà từ sau cấp 3 là sớm quá, lễ nghĩa chắc chắn không thể biết như người trưởng thành cùng bố mẹ". Những sự khác biệt mà gia đình chồng nhận xét khiến tôi thường xuyên nhận sự ngờ vực của chồng, bởi những việc tôi làm luôn không hợp lý. Tôi còn nhớ ở thời điểm chồng có quan hệ với người yêu cũ, mẹ chồng bảo tôi rằng anh có bồ là sai nhưng người như anh chắc chắn sẽ có nhiều người theo. Lúc đó tôi nhận được rất nhiều lời khuyên chân thành từ gia đình chồng về việc nên giữ gia đình thế nào, có gì còn chưa ổn. Tôi im lặng nghe, không cãi, biết thật tâm gia đình chồng tôi nghĩ thế, thương tôi nên nói thế. Mọi người nghĩ anh có bồ là do tôi không biết giữ gia đình thì tôi cũng không thể nào mong nhà anh hiểu hơn rằng: Vợ chồng có vấn đề thì việc đầu tiên nên làm là cùng nhau giải quyết chứ không phải tìm một chỗ để tạm quên vấn đề.

Tôi đau đớn, cô độc khi chồng im lặng trước những lời từ bồ anh và gia đình anh áp lên mình. Bao năm, tôi nhận nhiều sự quan tâm từ nhà chồng, như đã nói, tôi biết ơn, cố sống cho trọn vẹn với những gì mình nhận được, có điều những vết thương lòng lành đi vẫn để sẹo. Tôi thực sự sợ va chạm, sợ những lời nói từ nhà anh. Tôi thừa nhận mình không giỏi giang, không sắc sảo nhưng luôn cố gắng để cho gia đình trọn vẹn, con cái được nuôi dạy tốt. Khi nhận những góp ý từ gia đình chồng, tôi nghĩ chắc họ cũng phải chịu đựng tôi, giống như tác giả bài viết trên chịu đựng cô em dâu mình vậy. Có lẽ tôi đã sống vô tâm, cũng có những lúc lạnh lùng với gia đình chồng vì thấy cô đơn nơi đó.

Tôi mang cảm giác rằng lúc có chuyện, chúng tôi không thể chia sẻ, lắng nghe hay giải quyết được. Có lúc tôi trách chồng dễ cáu giận và thường nói tôi không biết suy nghĩ khi anh cho là đúng. Có lúc tôi nghĩ do gia đình chồng, vì chồng có cáu giận thì mẹ chồng cũng kết bằng câu "Tính nó thế biết làm sao". Những cuộc nói chuyện trong gia đình khi phê phán người này, lúc kể về người kia, dù đó là những người chúng tôi hiếm khi gặp mặt, đó cũng là một cách khiến chồng tôi quen với việc nhận xét và chỉ trích người khác. Tôi trách ai cũng không giải quyết được việc của chúng tôi, chỉ là đang theo lối mòn chỉ trích người khác, giống như anh vậy. Tôi thấy mình bất lực cũng chỉ làm bản thân đáng thương hay giận dữ hơn. Chồng tôi không tệ, là người chân thành nhưng có những điểm không bao giờ nhìn khác đi được vì luôn có những người đồng quan điểm ủng hộ anh.

Theo thời gian chúng tôi dần hiểu nhau hơn, thỏa hiệp hơn. Tôi không cãi lại chồng, tôi không giỏi trong việc nói lý lẽ, không muốn gia đình xào xáo vì làm ngược ý chồng. Tôi nghĩ dù mọi người không yêu thương theo cách mình mong đợi nhưng họ đã làm hết lòng vì chồng tôi. Có điều tôi hoang mang về bản thân, trở nên nhạy cảm hơn, mệt mỏi hơn, tình cảm có phần nhạt nhòa đi. Làm mẹ rồi, tôi thừa nhận hơn 70% những điều anh nói nếu có trong cuộc đời của em gái ấy thì thật tốt. Nhưng nếu em trai anh, gia đình anh đón nhận, giúp cô ấy tự nguyện hoàn thiện kỹ năng nội trợ bằng cách để cô ấy tự nhận thức thì sẽ tốt hơn nhiều. Đó là do nhận thức của cô ấy, cũng là do tình yêu của hai người họ cho nhau. Nếu không vun được thì đừng phá. Nấu ăn thật ngon hay đậm vị chưa hẳn là chuẩn mực, nếu xem chọn thức ăn tinh tế cho sức khỏe là quan trọng. 

Kinh nghiệm của một người từng trải so với người ít kinh nghiệm không hẳn là biết làm nhiều hơn, hoàn hảo hơn, mà là biết những khả năng có thể, để khi cần chọn lựa sao cho hợp lý nhất. Anh nói rất nhiều về quan điểm của bản thân, nghĩ cô ấy lấy chồng là thành người nhà chồng, anh có từng nghĩ em trai lấy vợ thì anh cũng thành người nhà cô ấy? Nếu làm giống anh, cô ấy cũng có những chuẩn mực, những mong mỏi về nhà chồng và anh chắc gì đạt chuẩn đó? Những thứ anh thấy thoải mái, có khi là thứ cô ấy thấy phiền toái, không cần thiết và ngược lại. Nếu cô ấy nói thì anh có sửa không? Cô ấy thậm chí còn không được nói, mặc định vì anh vai cao hơn, hay vì anh là đàn ông, là nhà chồng?

Hai người khác tuổi trong công việc có thể thảo luận đi đến một kết luận chung nhưng trong gia đình thì không. Trong khi việc có thể đổi, người làm cùng cũng chọn lựa được, nhưng người trong nhà vợ hoặc chồng thì không, sao không sống cho quan hệ vui vẻ, dễ thở và tránh những trách móc không cần thiết nếu không tổn hại đến anh? Một ngày đi làm đủ nhiều quan hệ xã giao rồi, về với gia đình còn xét nét bắt bẻ làm sao gia đình có thể là tổ ấm? Anh bực mình em dâu thì vợ con anh, mẹ anh phải nghe vì ở gần, chứ vợ chồng em anh có nghe nhiều không? Anh nói cho thỏa bức xúc nhưng sau đó anh chờ đợi gì? Có hai lựa chọn: Hoặc em trai dửng dưng trước những lời anh nói, anh thấy em trai bênh vợ, tình cảm hai anh em sứt mẻ. Hoặc em trai nghe lời anh, rồi gia đình em anh xào xáo, em trai thấy vợ ngày càng xấu, cô ấy thì tự ái, tổn thương, anh mong họ chia tay nhau, em trai anh đau khổ?

Đó là cuộc đời của em trai anh, đừng can thiệp. Một mối quan hệ gây dựng không dễ nhưng những vết thương lòng không dễ lành và những mối quan hệ xây lại sau đổ vỡ không phải thứ luôn có thể. Tôi có thể hiểu lòng anh, muốn tốt cho gia đình lớn, cho em trai mình vì anh trân trọng gia đình lớn và đánh giá cao em trai. Tôi đã đi qua một đoạn đầu của cuộc hôn nhân với người chồng có một gia đình lớn gắn kết. Đó là một mối quan hệ gia đình lớn mạnh mẽ đáng trân trọng, nhưng là một rào cản cho người mới vào, hoặc hòa mình vào văn hóa đó, hoặc đấu tranh giữ bản sắc của mình nhưng đầy tổn thương lẫn cô đơn. Người ta gọi vợ và chồng đã đủ làm một gia đình, chỉ cần hai người họ chấp nhận khác biệt của nhau đã là tốt rồi. Hôn nhân là của hai người, không phải là của hai gia đình. Càng sống tôi càng nhận ra, không phải người hoàn hảo mới đáng được hạnh phúc, chỉ cần họ hợp ý, chia sẻ, hiểu, thông cảm cho nhau thì dù tốt hay xấu, nồi nào úp vung nấy là đủ rồi. Thân ái.

Theo:VN EXPRESS

KHÁCH HÀNG NÓI VỀ KOLABUY AUSTRALIA®

Hotline Hotline
Chat ngay Chat ngay
Giỏ hàng Giỏ hàng
Tài khoản Tài khoản